HỌC SINH THCS LÊ DANH PHƯƠNG CÙNG NHỮNG HIỂU BIẾT VÀ TÌNH CẢM VỚI NHÀ BÁC HỌC LÊ QUÝ ĐÔN

Ngày nay, chúng cháu biết đến Lê Quý Đôn qua hai con người: Con người huyền thoại và con người bác học.

Về con người huyền thoại: những mẩu chuyện về trí nhớ, trí thông minh tuyệt vời của nhà bác học chúng cháu vẫn còn được nghe kể lại với những cảm hứng say mê.

Về con người bác học: Chúng cháu được biết, bình sinh, Lê Quý Đôn có hai hoài bão lớn: kinh bang tế thế và trước thư lập ngôn. Với hoài bão thứ nhất, cụ không được viên mãn và đến cuối đời vẫn còn ôm nỗi “bất đắc chí”. Nhưng với hoài bão thứ hai, cụ thật sự được phỉ chí và đã trở thành nhà bác học của Việt Nam. Cụ là tác giả của 50 bộ sách, với hàng trăm quyển, gồm cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Lê Quý Đôn đúng là một nhà tri thức bách khoa có một không hai, là tập đại thành tri thức của mọi thời đại, là một nhà khoa học kiệt xuất. Cụ được người đời tôn vinh là nhà bác học, là người “thông minh nhất đời”, “nước ta, trong mấy trăm năm mới có một người như vậy”; trí thức nổi tiếng cùng thời cũng gọi cụ là “lãnh tụ của nền đại học”…

Trong hiểu biết và tình cảm của chúng cháu, ấn tượng lớn nhất là về sách của Lê Quý Đôn. Sách của cụ đạt đến mức chuẩn xác và tinh lọc của sách giáo khoa. Những kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên văn, nông nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp của cụ không những hơn hẳn thời trước đó và đương thời, mà cho đến nay vẫn còn giá trị. Kết quả của những tư liệu quý trong sách của cụ có được là bởi nhà bác học của chúng ta không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, biên soạn. Đôi chân nhà bác học đã đi đến nhiều nơi của đất nước, viết về nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” cụ đã từng viết về Hoàng Sa và Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc để đến hôm nay điều đó đã trở thành một minh chứng quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam; giúp chúng cháu tự tin và vững vàng với tinh thần bảo vệ biển đảo quê hương trước ý đồ xâm phạm của Trung Quốc.

Trong hiểu biết của chúng cháu, chúng cháu vô cùng kính trọng Lê Quý Đôn khi biết rằng tuy là quan đại thần, cụ không mang đặc tính nhà quan mà lại có cốt cách một nhà giáo: sống giản dị, ăn cơm với cua đồng, uống nước lá lốt thay trà, mặc áo nâu, luôn gần gũi dân chúng, vui khi họ được mùa, lo khi họ thất bát.

Là học sinh, chúng cháu nhận được rất nhiều sự quan tâm, yêu thương và giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Khi tìm hiểu về Lê Quý Đôn, chúng cháu trân trọng vô cùng vì biết rằng quan điểm về giáo dục của cụ từ mấy thế kỷ trước vẫn rất gần với giáo dục hôm nay. Lê Quý Đôn là người quan tâm đến giáo dục toàn diện. Cụ là người Việt Nam đầu tiên nêu rõ quan điểm và ý kiến của mình về nhiều mặt giáo dục: giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa khoa học, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục kỹ thuật, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội. Trong bất cứ lĩnh vực giáo dục nào, cụ đều có ý kiến xác đáng và độc đáo.

Là học sinh, chúng cháu luôn ghi nhớ quan điểm của cụ: “học đi đôi với hành” và yêu cầu “tự giáo dục”. Đến ngày nay phương pháp học tập đó vẫn chưa bao giờ cũ mà luôn được coi trọng, đề cao. Quả là không quá lời khi học trò viết về cụ: “Thầy ta là người tinh túy của suối nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, lúc rảnh việc thêu trời dệt đất để đem học vấn bồi dưỡng cho môn sinh…”.

Chúng cháu tự hào khi quê hương Hưng Hà có nhà bác học Lê Quý Đôn, vinh dự hơn nữa khi quê hương mình đã có những ngôi trường được mang tên Người: Trường Mầm non, trường tiểu học, Trường THCS Lê Danh Phương, trường THCS Lê Quý Đôn. Và trên khắp mọi miền Tổ quốc còn có rất nhiều ngôi trường, con đường, công trình, giải thưởng mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn. Đó là một cách thể hiện niềm tự hào và cũng là lời nhắc nhở các thế hệ học sinh phát huy truyền thống, nêu cao ý thức rèn luyện học tập để xứng đáng với thế hệ ông cha từ trước.

Tri ân cổ nhân, học tập và noi gương nhà bác học lỗi lạc của quê hương, cùng với ý thức và trách nhiệm của thế hệ tiếp nối những trang sử truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt Hưng Hà yêu dấu, chúng cháu xin hứa sẽ luôn nêu cao ý thức luyện rèn đạo đức, ra sức học tập, phấn đấu trở thành trò giỏi, con ngoan, công dân tốt để góp phần dựng xây quê hương, đất nước. Trước anh linh nhà bác học Lê Quý Đôn, chúng cháu nguyện rằng sẽ viết tiếp những trang sử đẹp tươi của quê hương Hưng Hà, xứng đáng với lòng tin yêu, kỳ vọng của gia đình, nhà trường và xã hội dành cho thế hệ trẻ hôm nay.

Lượt xem: 834
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Chắt
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Hôm qua : 1
Tháng 04 : 59
Năm 2024 : 1.005