Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Tháng 04 : 569
Năm 2024 : 2.817
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số hóa ngành giáo dục - lợi mọi bề

Ứng dụng CNTT vào công tác sổ sách, hồ sơ như sổ liên lạc điện tử, giáo án điện tử, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ chủ nhiệm… giúp giáo viên giảm bớt công việc không tên. Xa hơn, số hóa ngành giáo dục được kỳ vọng sẽ triệt tiêu tiêu cực trong học tập, thi cử, đồng thời giúp phụ huynh theo dõi, đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục trẻ.

“Bớt việc” cho giáo viên

Từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn TPHCM sử dụng sổ liên lạc điện tử, giáo án điện tử... Từ điểm số, nhận xét, đánh giá HS được thực hiện thông qua cổng thông tin điện tử. Việc liên lạc với phụ huynh cũng được các trường kết nối thường xuyên thông qua hệ thống tin nhắn online, phần mềm để phụ huynh truy cập vào xem tình hình học tập của con em mình.

Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) chia sẻ, việc số hóa sổ sách, hồ sơ cho giáo viên được các cán bộ quản lý ủng hộ, quan tâm để họ có nhiều thời gian hơn cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Khi các giáo viên nhập điểm số, lời nhận xét hay cần gửi đi một thông báo tới phụ huynh, qua việc ứng dụng CNTT sẽ giúp các thao tác nhanh hơn, lưu trữ dễ dàng, dễ quản lý và giảm những chi phí (thay vì thông báo in giấy mời ra).

Phần mềm quản lý mà trường đang sử dụng là smas.edu.vn sẽ phân quyền trong sử dụng, tạo sự thuận lợi trong khâu quản lý, quản trị. Cũng theo thầy Khánh, để bảo đảm dữ liệu an toàn, trường còn lưu trữ bằng cách chép ra ổ cứng theo từng học kỳ, dán niêm phong.

Ngoài ra, theo nhiều cán bộ quản lý, việc ứng dụng số hóa các loại sổ sách, ví dụ như học bạ điện tử, sẽ “triệt tiêu” tiêu cực về điểm số (nếu có), bởi khi giáo viên nhập dữ liệu xong và lưu trữ sẽ không được phân quyền sửa vào phần điểm. Sổ điểm hằng ngày của họ trong giờ lên lớp ghi bằng tay, ví dụ điểm số 15 phút, 1 tiết sẽ được nhà trường thu lại. Thậm chí, một số trường còn giao nhiệm vụ nhập điểm số của học sinh cho bộ phận hành chính, tin học của nhà trường.

Tập huấn giáo viên soạn giáo án điện tử

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho rằng, vai trò của người đứng đầu nhà trường rất quan trọng, có dám đột phá, chủ động hay không. “Nếu việc số hóa này được triển khai triệt để, ngoài giảm bớt việc cho giáo viên, còn giúp lãnh đạo trường quản lý dễ dàng, nhanh chóng. Tính liên thông của nó có thể giúp các học sinh chuyển trường dễ dàng mà không cần nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan như hiện nay”, thầy Phú nói.

Cần triển khai mạnh mẽ

Một giáo viên tiểu học tại TPHCM chia sẻ: “Qua tham khảo, tôi thấy đồng nghiệp ở quận Bình Tân, Bình Thạnh… vẫn phải chép tay học bạ của HS dù đã có sẵn trên hệ thống. Trong học bạ giấy, phần trống để cho giáo viên ghi rất nhỏ, nên chỉ ghi được vài dòng, không thể hiện hết những gì cần nhận xét. Đó là chưa kể việc ghi vào học bạ, nếu sai, giáo viên phải bỏ phần sai, ghi mực đỏ vào phần sửa lại và mở ngoặc “tôi đã sửa”, nó vô cùng “nhiêu khê”. Nếu số hóa toàn bộ sổ sách, hồ sơ cho giáo viên thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều”.

 

Việc số hóa sổ sách cho giáo viên đã và đang từng bước được thực hiện tại nhiều đơn vị nhưng vẫn gặp phải một số vấn đề cần được tháo gỡ.

Theo các hiệu trưởng, việc số hóa sổ sách, hồ sơ có những ưu điểm ai cũng thấy rõ, nhưng với cương vị là người quản lý, khi triển khai, thấy một vài giáo viên vẫn có tình trạng làm theo kiểu đối phó, các nhận xét của HS cơ bản giống nhau (copy em này qua em khác), thậm chí có giáo viên copy giáo án nên một số trường vẫn yêu cầu giáo viên viết tay.

Ngoài ra, dù đã dùng sổ liên lạc điện tử, tin nhắn điện tử để thông báo cho phụ huynh, hay là sử dụng các phần mềm để phụ huynh đăng nhập vào xem tình hình học tập của con em mình, thông báo của nhà trường… nhưng có phụ huynh đăng kí nhận tin nhắn, không sử dụng phần mềm. Vì vậy, một số trường phải vừa báo tin nhắn, vừa gửi thông báo bằng giấy cho phụ huynh.

Theo cô Phan Ngọc Thắm, Hiệu trưởng Trường TH Bình Quới, quận Thủ Đức, do sử dụng phần mềm, khi phụ huynh truy cập hay nhận thông báo bằng tin nhắn phải đóng một khoản phí trên tinh thần tự nguyện nên không phải ai cũng sẵn sàng tham gia.

Không chỉ riêng TPHCM, nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đang gặp phải một số vấn đề tương tự khi triển khai sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử, số hóa các hồ sơ, sổ sách do điều kiện khác nhau và thiếu tính thống nhất giữa các nơi. Thậm chí trong một địa phương, có nơi làm, nơi chưa triển khai…

Nhằm giảm tải cho giáo viên liên quan đến vấn đề này, ngày 18/1/2019, Bộ GD&ĐT đã ra Chỉ thị 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, trong đó có ghi rõ: Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định; từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hiện hành theo lộ trình phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên; Cơ quan quản lý giáo dục tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và giáo viên.

Chỉ thị nhận được sự ủng hộ của giáo viên toàn ngành, bởi việc số hóa sổ sách, hồ sơ sẽ giúp họ bớt đi những thủ tục về mặt hành chính, để tập trung nhiều hơn cho chuyên môn.

(Giáo dục Thời đại)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Thư viện ảnh
Video Clip
Văn bản mới