Khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học

Ngày 19/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020. Tham dự có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, UBND TP Đà Nẵng, cùng hơn 260 học sinh có đề tài dự thi.

Nghiên cứu khoa học thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, sự bùng nổ tri thức, công nghệ sản xuất mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi các nội dung trong giáo dục và đào tạo. Điều này yêu cầu người học và người dạy đều phải thay đổi cách học, cách dạy; nhà trường phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng chúc mừng các đoàn học sinh dự thi

Bên cạnh tiềm năng sáng tạo của học sinh Việt Nam được khẳng định qua thành công của các em trong những kỳ thi Olympic quốc tế, từ năm học 2011-2012, Bộ GDĐT đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh THCS, THPT và tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF). Hằng năm cuộc thi thu hút hàng ngàn thí sinh tham dự. Từ cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Bộ GDĐT đã cử học sinh dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF), các cuộc thi, hội trợ, triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học kỹ thuật và thu được nhiều kết quả tích cực.

Liên tục nhiều năm tại các cuộc thi Intel ISEF ở Mỹ, học sinh Việt Nam đã đạt nhiều giải cao, như năm 2017 có 01 giải Ba, 04 giải Tư và 04 dự án đoạt giải đặc biệt; năm 2018 có 01 giải Ba và 01 giải đặc biệt… Tỷ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn 26% so với mức trung bình của Intel ISEF. Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam cũng đạt nhiều giải và huy chương khi tham dự các cuộc thi, triển lãm sáng tạo khoa học của khu vực và quốc tế. Điều này khẳng định khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở tầm quốc tế của học sinh Việt Nam.

“Tại những Cuộc thi này, từ việc xác định đề tài đến quá trình triển khai nghiên cứu đề tài cho thấy nhiều em đã thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của học sinh đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề này nảy sinh trong thực tiễn. Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Theo Thứ trưởng, nghiên cứu khoa học kỹ thuật khuyến khích học sinh quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, liên hệ kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội. Hoạt động này cũng rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; góp phần giáo dục STEM và tạo nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp trong tương lai.

Đối với cơ quan quản lý và các nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh đã góp phần tạo lập được mối liên hệ, đưa các nhà khoa học cùng các phòng thí nghiệm của các trường đại học, các viện nghiên cứu về gần với các trường phổ thông. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học, các viện nghiên cứu gặp gỡ học sinh, hướng dẫn các em tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và “truyền lửa” cho thế hệ sau.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm dự thi

Phương châm của giáo dục hiện đại: học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội qua đó được thực hiện một cách sinh động. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng góp phần tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học; góp phần hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. 

“Tôi hy vọng rằng, thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường. Nghiên cứu khoa học đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học... tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông”, Thứ trưởng nói.

137 dự án thộc 20 lĩnh vực tham dự

Báo cáo tại lễ khai mạc, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, năm học 2019-2020 là năm thứ 8 Bộ GDĐT tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Năm nay cuộc thi  có sự tham gia của 137 dự án ở 20 lĩnh vực của 253 học sinh thuộc 61 Sở GDĐT, 01 trường phổ thông trực thuộc Bộ GDĐT và 6 trường đại học. Trong đó, học sinh cấp THPT có 120 dự án, cấp THCS có 17 dự án.

Các dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2019-2020 được tuyển chọn từ cấp tỉnh/thành và từ các đại học. Mỗi đơn vị được chọn 2 dự án, riêng Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng được chọn 4 dự án gửi về Bộ GDĐT để tổ chức thẩm định.

Bộ GDĐT đã lựa chọn và mời Ban giám khảo là các nhà khoa học hàng đầu, có trình độ từ tiến sĩ, nhiều giám khảo là GS, PGS đang giảng dạy và nghiên cứu tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu với chuyên môn phù hợp các lĩnh vực của cuộc thi. Giám khảo được chọn đến từ 3 vùng miền Bắc - Trung - Nam để bảo đảm tính khách quan, đổi mới, kế thừa qua các năm chấm thi.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học sẽ diễn ra trong 2 ngày 19-20/6. Trong khuôn khổ Cuộc thi sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Giáo dục STEM trong giáo dục trung học” và các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục